Góp ý kỹ thuật cho Dự thảo luật An toàn vệ sinh lao động
Ngày 16/10/2014, tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo tham vấn ba bên góp ý kỹ thuật cho Dự thảo luật An toàn vệ sinh lao động. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp; Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO Việt Nam; Ông Gabit Ismailov, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới; lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên minh HTXVN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo Cục An toàn Lao động, Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, hiện nay Bộ LĐTBXH đã hoàn thiện Dự thảo Luật ATCSLĐ lần thứ năm. Theo lộ trình, sẽ trình Quốc hội vào tháng 10/2014, Quốc hội xem xét lần cuối vào tháng 5/2015 và có hiệu lực vào tháng 1/2016. Trong quá trình xây dựng Luật, từ khi đề xuất xây dựng (năm 2009) đến nay, ILO đã tích cực hỗ trợ tổ chức nhiều hội thảo cấp quốc gia cũng như các hội thảo chuyên gia để đóng góp cho việc xây dựng Luật ATVSLĐ. Ngoài ra, ILO và WHO cũng đã tham gia trực tiếp góp ý kĩ thuật cho dự thảo Luật ATVSLĐ. Bộ LĐTBXH là cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của ILO/WHO. Những kết quả này thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan ban ngành của Việt Nam và có sự đóng góp, hỗ trợ quan trọng từ phía ILO và các chuyên gia của các tổ chức quốc tế. Bộ LĐTBXH xin ghi nhận những đóng góp tích cực và hỗ trợ hiệu quả đó. Với hội thảo này, Bộ LĐTBXH mong muốn được ILO/WHO tiếp tục đóng góp và chia sẻ những kinh nghiệm cho việc xây dựng Dự thảo Luật ATVSLĐ.
Thứ trưởng cũng cho biết, trọng tâm của công tác ATVSLĐ của Việt Nam trong năm 2014 và thời gian tới là tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện Luật ATVSLĐ; triển khai mạnh mẽ Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác ATVSLĐ đến các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, doanh nghiệp; triển khai kế hoạch thực hiện Công ước 187; thúc đẩy thực hiện văn hóa an toàn tại nơi làm việc. Với những yêu cầu đó, Hội thảo này là một diễn đàn quan trọng, hữu ích để tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu cho xây dựng Luật ATVSLĐ. Việt Nam luôn cam kết cùng quốc tế thực hiện mục tiêu cuối cùng là bảo đảm cho quyền của người lao động đã được quy định trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013 ngày càng tốt hơn – một trong những quyền đó là người lao động được làm việc trong môi trường đảm bảo an toàn, sức khỏe và tính mạng người lao động.
Tại hội thảo ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,3 triệu người tử vong do tai nạn lao động hay mắc bệnh nghề nghiệp và hàng triệu người mất khả năng lao động vì những lý do trên. TNLĐ, BNN cũng xảy ra nhiều hơn ở những nước đang phát triển. Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác an toàn vệ sinh lao động, triển khai nhiều chương trình, dự án như: Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2011 – 2015, Dự án ATVSLĐ trong các ngành có nguy cơ cao, Phê chuẩn công ước 155, gia nhập công ước 187…Đặc biệt việc xây dựng Luật ATVSLĐ là một minh chứng mạnh mẽ của Việt Nam cho cam kết Việt Nam đảm bảo quyền của người lao động, trong đó có quyền được làm việc trong môi trường đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng. Ông Gyorgy Sziraczki cũng khẳng định ILO sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng Luật ATVSLĐ cũng như triển khai các chương trình, dự án giúp đảm bảo ATVSLĐ, giảm thiểu TNLĐ, BNN.
Tại hội thảo, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trong Bộ luật Lao động 2012 đã có 1 chương quy định về công tác ATVSLĐ, tuy nhiên mới chỉ áp dụng cho khoảng 15 triệu người lao động có quan hệ lao động. Điều quan trọng hiện tại là phải điều chỉnh đối tượng áp dụng sao cho bao phủ đầy đủ 52,5 triệu lao động trong cả nước. Vì vậy Luật ATVSLĐ phải thể hiện được quan điểm đó. Ông Bùi Sỹ Lợi cũng đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo trao đổi, thảo luận đóng góp ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật ATVSLĐ.
Đến thời điểm này, Dự thảo Luật ATVSLĐ đã hoàn thiện lần thứ năm, gồm 7 chương và 94 điều. Chương I: Những quy định chung; Chương II: Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; Chương III: Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chương IV: Những quy định riêng với một số lao động đặc thù; Chương V: Những quy định ATVSLĐ đối với cơ sở sản xuất kinh doanh; Chương VI: Quản lý nhà nước, quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức liên quan về ATVSLĐ; Chương VII: Điều khoản thi hành. So với quy định về phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động năm 2012, Dự thảo Luật ATVSLĐ quy định rộng hơn, bao quát hơn và cụ thể hơn các hoạt động về ATVSLĐ. Ngoài các quy định trong việc bảo đảm ATVSLĐ, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật còn bao gồm cả các quy định về tổ chức quản lý công tác ATVSLĐ trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế độ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã bàn luận về 4 vấn đề: Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào Dự thảo Luật ATVSLĐ; Chính sách, chương trình và hệ thống ATVSLĐ quốc gia; ATVSLĐ cấp doanh nghiệp và các biện pháp phòng ngừa chủ động; Dịch vụ y tế lao động cơ bản. Các đại biểu cũng thảo luận, đóng góp ý kiến cho Dự thảo như: cần xây dựng hệ thống thông tin về ATVSLĐ, cơ chế hoạt động để thu thập và quản lý dữ liệu về TNLĐ, BNN; cần luật hóa cơ chế đối thoại thương lượng giữa người lao động và người sử dụng lao động; Xây dựng chính sách cụ thể cho hai nhóm đối tượng: có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động; phân cấp quản lý nhà nước…